Thật Nghĩa Giác Ngộ Là Gì ??? Các Điều Kiện Để Giác Ngộ ???
− Hỏi:
(2) Con nghe trong Lý Gia hay nói đến hai chữ giác ngộ, xin Thầy cho biết thật nghĩa của hai chữ giác ngộ là gì ???... Và người tu hành từ phát tâm đến kết quả sau cùng, chỉ giác ngộ một lần hay giác ngộ nhiều lần ???... Các điều kiện cần có để đưa đến giác ngộ là gì ???
(01-08-2019; Bửu Thiện)
֎ 1. Đáp: Về câu hỏi của bạn, mình xin chia làm ba ý, và tuần tự trả lời từng ý một:
1.1. Ý thứ nhất: Thật nghĩa của hai chữ "GIÁC NGỘ" là gì ???
֎ 1.1. Đáp:
− Theo định nghĩa thông thường: Giác ngộ (zh. 覺悟, sa, pi. bodhi), danh từ được dịch nghĩa từ chữ bodhi (bồ-đề) của Phạn ngữ. Hai chữ giác ngộ dùng để chỉ trạng thái tỉnh thức, lúc con người bỗng nhiên trực nhận bản chất tự không (sa. śūnyatā), của chính mình và thế giới! (Lược ghi từ Wikipedia)
− Theo mình thì: Hai chữ giác ngộ có rất nhiều cách trả lời, tùy thời điểm tu tập, tuỳ cơ duyên, ...v..v... sẽ được Thiện Tri Thức của bạn cắt một nghĩa nào đó phù hợp, nhằm giúp bạn thành tựu mục tiêu tu tập trước mắt !!!
Còn “thật nghĩa” của hai chữ giác ngộ (theo bạn hỏi) trong Phật đạo, là sự thấu suốt hoàn toàn của một vị Phật. Để mô tả giác ngộ đó là gì, sau khi giác ngộ, Phật Thích Ca Mâu Ni đã tuyên thuyết những điều tự thân mình chứng ngộ với đạo sĩ Brahmàyu (trích kinh Brahmàyu, Trung Bộ Kinh):
"Những gì cần biết rõ, Ta đã biết rõ.
Những gì cần từ bỏ, Ta đã từ bỏ.
Những gì cần tu tập. Ta đã tu tập.
Do vậy, này Vị đạo sĩ, Ta là Phật"
1.2. Ý thứ hai: Người tu hành từ phát tâm đến kết quả sau cùng, chỉ giác ngộ một lần hay giác ngộ nhiều lần ???
֎ 1.2. Đáp:
− Theo mình biết, người tu tập trong Phật đạo, từ sơ phát tâm đến thành tựu sau cùng có rất nhiều lần giác ngộ (Nhị thừa có Tứ thánh quả, Bồ Tát có trên 50 quả vị), mỗi lần giác ngộ là một lần thăng tiến nhận thức của tự thân lên một bước cao hơn, cho đến khi nào vị tu hành đó có được nhận thức rốt ráo như Phật, như pháp mới được gọi là giác ngộ sau cùng !!!
− Về các lần giác ngộ (cũng theo mình biết), tuy người tu hành phải trải qua nhiều lần giác ngộ... nhưng tựu trung có ba lần giác ngộ chính yếu phải trải qua, đó là:
• Lần giác ngộ đầu tiên, còn gọi là sơ ngộ: Đó là lúc vị tu hành thấy và đặt bước chân đầu tiên vào cảnh giới xuất thế, tức thấy và đặt bước chân đầu tiên vào giòng nước đưa đến Niết Bàn... Cụ thể, đây là cảnh giới Tu Đà Hoàn của Nhị Thừa hay Thiện Kiến của Bồ Tát Thừa !!!... Lần giác ngộ này, sẽ tuần tự giúp người tu hành ra khỏi hai đế thế gian là Khổ đế và Tập đế !!! (Giống cái thấy ban sơ của Lục Tổ khi nghe kinh Kim Cang)
• Lần giác ngộ thứ hai, thấy được bản lai thanh tịnh, chứng Niết Bàn Chân đế: Đây là lúc vị tu hành thành tựu Diệt đế, thấy được bổn tâm bổn tánh, người xưa gọi là “minh tâm kiến tánh” ... Cái thấy này, tương đương với một A La Hán nếu là Nhị Thừa, tương đương với Bát Địa Bồ Tát nếu là Bồ Tát Thừa !!! (Giống cái thấy của Lục Tổ sau khi lên thất của Ngũ Tổ)
• Lần giác ngộ thứ ba, thành tựu trí tuệ, thấy Phật tánh: Đây là cái thấy cuối cùng trước khi thành Đẳng Chánh Giác !!!... Phật tuyên thuyết cái thấy này như sau: “Trước khi thọ thực, thân Bồ Tát là nhục thân. Sau khi thọ thực, Bồ Tát nhập Kim Cang Tam Muội tiêu hoá thức ăn, biến nhục thân thành Kim Cang Thân, thấy Phật tánh thành Đẳng Chánh Giác !!!” (Người xưa thường mô tả cái thấy này bằng cụm từ “hoát nhiên đại ngộ”)
Ta có thể hiểu, ba lần giác ngộ quan trọng nêu trên, tương ưng với ba lần Phật chuyển pháp luân để đưa môn đệ tiến lên một nhận thức cao hơn, đó là:
֎ Lần chuyển thứ nhất tại vườn Lộc Uyển, giúp năm anh em Kiều Trần Như từ bỏ “thế gian đạo” để vào “xuất thế gian đạo” !!!
֎ Lần chuyển thứ hai tại thành Vương Xá, giúp Nhị thừa và Bồ Tát quyền thừa từ bỏ giáo pháp quyền tiểu để vào đại đạo !!!
֎ Lần chuyển thứ ba tại thành Câu Thi Na, giúp những đệ tử cơ duyên chín mùi thấy Phật tánh và khẳng định Đại Niết Bàn mới là nơi chốn cuối cùng của Phật đạo !!!
1.3. ● Ý thứ ba: Các điều kiện cần có để đưa đến giác ngộ là gì ???
֎ 1.3. Đáp: Ngoại trừ những căn cơ đặc biệt, hầu hết người tu hành trong Phật đạo muốn giác ngộ như pháp, phải hội đủ các điều kiện sau:
• Phải tu tập trong chánh pháp, tức tu tập như những gì kinh điển chính thống của Phật đạo đã dạy !!!
• Phải được trang bị những kiến thức cơ bản cũng như các kiến thức cao hơn một cách phù hợp, đúng đắn và khoa học, các kiến thức này giúp người tu hành hiểu đúng tinh thần của kinh và tương ưng cho mỗi giai đoạn tu tập, như người đi đêm tuỳ thời điểm, có được những ngọn đuốc như ý !!!
• Phải xây dựng thái độ tu hành nghiêm túc và dấn thân tu hành thật sự, như người đội chén nước trên đầu, đi tới đi lui mà không cho nước đổ !!!
• Phải tinh tấn không mệt mỏi, như người dùi cây lấy lửa, khi chưa có lửa chưa ngưng tay !!!
• Phải được Thiện Tri Thức dẫn dắt và khai thị đúng mỗi thời điểm cần giác ngộ, giống như người bệnh kinh niên, mỗi giai đoạn điều trị cần phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của thầy thuốc !!!
• Phải hội đủ công đức cần thiết cho từng giai đoạn tu tập, như người có đủ tiền để mua sắm các món đồ như ý !!!
Bạn thân mến...!!!... Giác ngộ trong Phật đạo là cảnh giới tự chứng, giống như người ăn mật mới có thể cảm nhận vị ngọt của nó !!!... Văn tự, ngữ ngôn có giới hạn của văn tự ngữ ngôn, dùng văn tự để giải thích về giác ngộ giống như người ta nói về vị ngọt của mật, lời nói chỉ đúng một phần, còn ý vị sâu thẳm nhất thì ngôn ngữ bất lực !!!
Mong rằng, những giải thích trên, giúp bạn cảm nhận một chút gì đó về giác ngộ, về những lần giác ngộ quan trọng trong Phật đạo, cũng như các điều kiện cần có và đủ để người tu hành có thể tìm đến giác ngộ thật sự !!!...
Chúc các bạn an vui, tinh tấn !!! (01-08-2019)