Các Bước Tu Tập Trong Phật Đạo
Hỏi: Một người tu tập trong Phật Đạo có bao nhiêu bước để viên mãn con đường tu hành?
Đáp: Đối với người tu tập trong Phật Đạo có bốn bước, thành tựu xong, có thể coi là viên mãn chuyện tu hành.
Hỏi: Bốn bước đó là những bước nào?
Đáp: Dứt Tập, chứng Diệt, tu Đạo và hành Bồ Tát Đạo.
Hỏi: Sao không nói năm bước là: Biết Khổ, dứt Tập, chứng Diệt, tu Đạo và hành Bồ Tát Đạo?
Đáp: Bước đầu tiên đó là “biết Khổ”, thuộc giai đoạn tu Đạo (Đạo Đế), nên điều này sẽ nói rộng ở phần Đạo Đế. Cụ thể: Có hai hạng người tu tập liên quan đến “biết Khổ”.
- Hạng thứ nhất: Là người thấy Khổ và biết Khổ mới tu, điều này không cần bàn luận vì nó thuộc khổ thế gian, ai cũng biết.
- Hạng thứ hai: Khi viên mãn phần tu Đạo, thành tựu bốn thứ trí (Khổ, Tập, Diệt, Đạo trí) có được trí tuệ, mới biết Khổ có nhiều thứ, nào là: khổ Tục Đế, khổ Thánh Đế, khổ Chân Đế,. Người thấu rõ những thứ “khổ”này, Phật Đạo mới tạm coi là “người biết Khổ”. Cho nên, điều này sẽ bàn rộng ở phần
Hỏi: Việc “biết Khổ” của người phàm và “biết Khổ” của thánh nhân để làm gì?
Đáp: Để khiến người phàm dứt “ngu”, khiến thánh dứt “mê” và khiến kẻ trí dứt “lầm”. Thấu suốt và làm được ba điều này, mới gọi là “người thấy Khổ, biết Khổ và dứt Khổ trong Phật Đạo”
Hỏi: Vì sao phải đạt thành tựu ở bốn bước đã đề cập ở phần đầu?
Đáp:
Thành tựu bước thứ nhất (dứt Tập): Để tiêu thất “Chúng Sanh Chủng Tánh” và “Đa Chủng Tánh”.
Thành tựu bước thứ hai (chứng Diệt): Để viên mãn Thánh Chủng Tánh nhập Vô Vi Chủng Tánh.
Thành tựu bước thứ ba (tu Đạo): Gieo hạt giống Bồ Đề nhằm thành tựu Bồ Tát Chủng Tánh.
Thành tựu bước thứ tư (làm công hạnh, hành Bồ Tát Đạo): Để viên mãn Bồ Tát Chủng Tánh và gieo hạt giống Phật (Phật Chủng Tánh).
Đây là tiền đề quan trọng để thấy được quả của nó là Phật Tánh ở vị lai 1. Thấy được cái quả này rồi, mới có thể thành tựu Vô Thượng Trí.
Hỏi: Muốn thành tựu bốn bước tu tập, người tu hành phải mất thời gian là bao nhiêu?
Đáp: Giai đoạn một và giai đoạn hai, theo kinh nói là một vô số kiếp. Giai đoạn ba, theo kinh nói là một vô số kiếp. Giai đoạn bốn, cũng theo kinh nói là một vô số kiếp. Tổng cộng của bốn giai đoạn là ba vô số kiếp.
Hỏi: Những kiếp đời được nêu ở trên được tính theo lịch gì?
Đáp: Kiếp đời được nêu ở trên được tính theo ba loại lịch của ba cõi tâm thức.
Hỏi: Đó là lịch của những cõi nào?
Đáp:
Vô số kiếp thứ nhất, tính theo lịch của cõi ngu.
Vô số kiếp thứ hai, tính theo lịch của cõi mê.
Vô số kiếp thứ ba, tính theo lịch của cõi lầm.
Hỏi: Ba cõi này từ ở đâu so với Diêm Phù 2 này?
Đáp: Nếu lấy Diêm Phù làm trung tâm thì từ đông, tây, nam, bắc, trên, dưới, và các phương còn lại, mỗi phương phải đi hết 84.000 do tuần 3 mới đến. Còn nếu lấy tâm này làm trung tâm thì các cõi kia chỉ cách có bốn cảnh giới, đó là: cảnh giới của mê, cảnh giới của giác, cảnh giới của ngộ và cảnh giới của trí.
Hỏi: Mỗi cảnh giới cách nhau bao xa?
Đáp: Bằng “một giấc chiêm bao”.
Hỏi: Đầu tiên, muốn tu tập trong Phật Đạo, phải thực hiện điều gì?
Đáp: Đầu tiên, phải Quy Y Tam Bảo 4
Hỏi: Vì sao phải Quy Y Tam Bảo rồi mới tu tập được?
Đáp: Vì “Danh có chính, thì ngôn mới thuận”. Giống như con nít khi sinh ra, phải có khai sinh. Một người không có khai sinh, thì không ngôi trường nào chấp nhận.
Hỏi: Không Quy Y Tam Bảo, tự tu tập có thể thành tựu được không?
Đáp: Về lý thì được, nhưng về lý thì cũng không được.
Hỏi: Lý nào không được, lý nào được?
Đáp: Giống như một đứa trẻ sinh ra, không có khai sinh, không đến trường học, không có thầy giáo. Đứa trẻ đó có thể tự mình học tập, đọc sách thế gian, hoặc bắt chước người mà thành tài. nhưng khi thành tài rồi, thì không có xã hội nào thừa nhận cái tài của người đó.
Còn nếu một người sinh ra, có khai sinh, được làm công dân của một nước, đứa trẻ này danh chính ngôn thuận đến trường học, chăm chỉ siêng năng học tập, sau đó thành tài. thì nhất định tài năng này, sẽ được xã hội nơi đó (có khi thêm những xã hội nơi khác) trọng dụng.
Quy Y Tam Bảo, cũng tương tự như việc “đi làm khai sinh” để người này chính thức được Tam Bảo công nhận là “công dân của Phật Quốc”. Gọi nôm na là Phật Tử. Sau đó mới bàn đến chuyện học hành trong Phật Đạo.
Hỏi: Đã là công dân của Phật Quốc, vì sao còn phải tu tập cho viên thành Phật Đạo?
Đáp: Công dân của nước nào khi sinh ra, lớn lên cũng cần phải được giáo dục. Tuy nhiên, trên đời này cũng có những công dân, không được giáo dục, không có hiểu biết. Việc tu tập cũng có ý nghĩa tương tự như giáo dục. Có giáo dục thì mới hiểu biết và thấu tường mọi lẽ.
Hỏi: Có cần chọn một vị Tăng (đại diện Tam Bảo) xứng đáng rồi mới quy y hay không?
Đáp: Thế nào mới được gọi là xứng đáng?
Hỏi: Phải hơn hẳn mình mọi mặt.
Đáp: Vị Tăng nào cũng xứng đáng để cho mình quy y. Vì sao?
Vì rằng: Tăng được Phật ủy nhiệm, cho phép thay mặt Phật chứng nhận một người nào đó làm công dân của Phật Quốc.
Giống như Ủy viên Hộ tịch, được Nhà nước ủy nhiệm, để vị này làm khai sinh cho trẻ nhỏ, chứng nhận đứa bé này là công dân hợp pháp. Sự ủy nhiệm này, chính là đã hơn hẳn ta ở mặt pháp lý, đối với chuyện của nhà Phật cũng tương tự vậy.
Hỏi: Nếu vị Tăng này không hơn ta ở mọi mặt thì làm sao sau này dạy ta tu hành?
Đáp: Sau khi đứa trẻ sinh ra có khai sinh, lớn lên, nó có đi tìm ông Ủy viên Hộ tịch để học tập chăng?
Vì thế trong Phật đạo mới có Bổn Sư, Giới Sư, Giáo Thọ Sư, Pháp Sư, Đạo Sư, mỗi vị phụ trách một công việc của Phật Đạo. Cũng có thể một vị làm nhiều việc, hoặc một vị làm một việc.
Hỏi: Sau khi quy y nên làm gì?
Đáp: Như đứa trẻ, muốn nên người, nhất định phải học.
Hỏi: Học tập những chuyện đó ở đâu?
Đáp: Tùy độ tuổi, năng lực, năng khiếu, chí hướng và điều quan trọng là chúng ta nên tìm người thầy phù hợp để học tập.
Hỏi: Làm sao biết người thầy nào phù hợp?
Đáp: Giống như người bệnh, người thầy nào cho thuốc, trong một thời gian nhất định, mà giúp bệnh tình thuyên giảm, dẫn đến hết bệnh, thì vị thầy đó phù hợp. Còn nếu ngược lại, thì mau mau đi tìm Thầy khác! Điều này Phật có dạy:
“Nơi đâu giúp ta có được Đạo Pháp, giúp ta hết khổ đau, giúp ta an lạc, giúp ta ra khỏi cột trói, giúp ta thành tựu trí tuệ thì nơi ấy có đánh đuổi cũng không được bỏ đi. Còn nơi nào, có kết quả ngược lại, thì mau mau bỏ đi gấp.”
Hỏi: Trên đời này bao la, biết làm sao tìm ra một Đạo Sư như vậy?
Đáp: “Hữu cầu tất ứng”. Người xưa cầu đạo, phải vượt qua bao nhiêu ngọn núi, rách hết vô số đế giày. Đi cầu tìm cái mình cầu tìm. Ngày nay, muốn có đạo pháp, chắc cũng phải làm như vậy thôi. Giống như người bị bệnh nan y, phải cất công lặn lội, đi tìm thầy thuốc. Còn ngồi đó, không làm gì, chỉ cầu mong tìm thấy “y sư giỏi” có thể trị bệnh cho ta thì có thể sẽ chết, trước lúc thấy được y sư.
Hỏi: Nhưng, nếu chẳng may, đi cả đời mà không gặp Đạo Sư thì thế nào đây?
Đáp: Chỉ nên tự trách mình vô duyên, bạc phước.
Hỏi: Những dấu hiệu nào để có thể nhận biết đó là một Đạo Sư đúng nghĩa trong Phật Đạo?
Đáp: Phật dạy, một Đạo Sư đúng nghĩa phải hội tụ đủ hai điều: Một là Thuyết phải thông, hai là Tông (Phật Tâm Tông) phải thông. Gọi chung là Thuyết thông và Tông thông.
Hỏi: Kinh nào nói lên hai tiêu chuẩn này?
Đáp: Lăng Già 5, Pháp Bảo Đàn Kinh 6. Đức Phật, các Đại Bồ Tát hoặc các Tổ có y bát là điển hình của hai tiêu chuẩn này.
Hỏi: Một Đạo Sư có nhất thiết phải là một vị Tăng như Bổn Sư?
Đáp: Đạo Sư không nhất thiết là Tăng hay tục. Ví như: Phật, A Nan, Ca Diếp, là Tăng. Bồ Tát Quan Âm, Văn Thù, Duy Ma Cật, Thắng Man, Thuần Đà, Việt Tam Giới, Vô Uý Đức, Sư Tử Hống,... đều là tục. Tăng và tục như vậy đều có thể làm bậc Đạo Sư dạy người tu hành.
Hỏi: Xin nói rõ, thế nào là Thuyết thông? Thế nào là Tông thông?
Đáp: Thuyết thông giống như việc thầy thuốc nói đúng bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Tông thông giống như công hiệu của phương thuốc điều trị.
Hỏi: Như vậy, khi gặp đúng Đạo Sư, có cần phải khai bệnh như khai bệnh với thầy thuốc không?
Đáp: Cũng cần, cũng không cần. Đã là Đạo Sư thì họ nhất định biết làm thế nào để phù hợp. Đừng có lo “bò trắng răng”!
Hỏi: Đối với thầy thuốc, muốn trị bệnh thân, phải cần có tiền. Còn đối với một Đạo Sư thì cần những gì?
Đáp: Chỉ cần đi đến họ với tâm ý của “một trượng phu”.
Có nghĩa rằng: Phải là người biết “tôn trọng chân lý”. Cái gì đúng với chân lý thì phải đồng ý là đúng, điều nào sai với chân lý phải chấp nhận điều này sai. Không xảo biện, không chối quanh, không bao che cho cái sai.
Nói tóm lại, trực tâm 7 là thứ “ngân lượng” để cầu Phật Đạo. Thiếu thứ này, đừng đi cầu. Vô ích!
Hỏi: Có cần phải dựa trên thân, tướng hoặc danh vị để đánh giá rằng đó có phải là một Đạo Sư đích thực hay không?
Đáp: Thân, tướng, danh vị. Những thứ này ở đời, ngoài kia không thiếu. Phật nói: “Ma quỷ cũng giả được”.
Chỉ có trí tuệ (Tông thông và Thuyết thông) mới là chắc thiệt, vì thứ này không giả được.
Vả chăng, nếu là một con quỷ mà có đủ hai thứ này (Tông thông và Thuyết thông), thì con quỷ đó rất xứng đáng là bậc Đạo Sư trong Phật Đạo.
Vì rằng, người tu học trong Phật Đạo cầu học cái trí tuệ chứ không cầu học thân, tướng hay danh vị. “Duy tuệ thị nghiệp” mới đích thực là sự nghiệp của người tu hành.
Ngày xưa, trước khi thành Phật, hồi còn là Bồ Tát, Bồ tát này từng quỳ lạy con quỷ La Sát để cầu nghe hai câu kệ của Phật trong quá khứ. Thiện Tài Đồng Tử 8 cầu học Nhất Thiết Trí 9, trong 55 vị dạy mình, chỉ có ba vị là Tăng, còn lại tất cả đều là tục.
Tát Đà Ba Luân 10 cầu Bát Nhã Thánh Trí dưới trướng Đại sư Đàm Vô Kiệt 11, Đàm Đại Sư là một cư sĩ.
Nói như thế để thấy: Thân, tướng và danh vị không nói lên được điều gì nhiều trong Đạo Trí Tuệ.
TIỂU THỪA, ĐẠI THỪA, NHỊ THỪA, BA THỪA LÀ GÌ?
Hỏi: Người tu hành thường hay nói, tôi tu theo Tiểu Thừa, người kia tu theo Đại Thừa. Xin hỏi, hai thừa khác nhau ở chỗ nào?
Đáp: Muốn phân tích điều này, đầu tiên cần phải minh định cho rõ ràng thế nào là Tiểu Thừa, thế nào là Đại Thừa. Một khi hai điều này minh bạch, thì sẽ tự giải đáp câu hỏi vừa nêu.
“Tiểu Thừa” là cỗ xe nhỏ (chở một mình), “Đại Thừa” là cỗ xe lớn (chở nhiều người). “Đại” hay “Tiểu” là do tâm lượng (chỗ phát tâm) nhỏ hay lớn mà tạm chia chứ chẳng phải do tu mà được đại hay tiểu.
Hỏi: Tâm lượng như thế nào là nhỏ (tiểu), tâm lượng như thế nào là lớn (đại)?
Đáp: Tâm lượng nhỏ, là tâm lượng của những người chỉ mong tu học để cho bản thân mình yên vui là được, không cầu yên vui cho người. Những ai có tâm địa như thế, Phật Đạo gọi đó là Tiểu Thừa. Còn những ai, có tâm địa rộng lớn, cầu mong mình tu tập được những điều lợi ích, đem lợi ích này đi chia sẻ, giúp đỡ mọi người cũng được lợi ích như mình. Người có tâm lượng như vậy, Phật Đạo gọi đó là Đại Thừa.
Hỏi: Như vậy nói rằng: “tôi tu theo Tiểu Thừa còn người kia tu theo Đại Thừa” có phải là sai không?
Đáp: Sai thì không sai, nhưng không thấu tình đạt lý. Thấu tình đạt lý thì chẳng ai đi nói như vậy bao giờ.
Hỏi: Nếu nói đại hay tiểu là do tâm lượng, thì như vậy tại sao có Pháp Đại Thừa và Pháp Tiểu Thừa?
Đáp: Phật dạy: Các pháp vốn bình đẳng. Điều này có nghĩa rằng, bản thân một pháp không có “đại” hay “tiểu”. Vì rằng các pháp tự nó không tánh, không tướng. Như vậy thì, lấy gì để căn cứ mà nói rằng pháp này là đại còn pháp kia là tiểu.
Hỏi: Nếu nói như vậy, thì sao còn có Kinh Giáo Bồ Tát, Kinh giáo Thanh Văn? 12
Đáp: Kinh Giáo Thanh Văn dùng để dạy Thanh Văn Thừa, Kinh Giáo Duyên Giác dùng để dạy Duyên Giác Thừa, Kinh Giáo Bồ Tát để dạy Bồ Tát Thừa. Vì ba thừa này tâm địa sai khác, căn tánh sai khác, thệ nguyện sai khác, phát tâm sai khác, nên phải có phương thức giáo dục sai khác, Phật Đạo gọi đó là phương tiện. Giống như trường THPT chỉ dạy người hoàn thành bậc học phổ thông, có giáo trình của bậc phổ thông. Trường nghề, đào tạo ra công nhân, có giáo trình của dạy nghề. Còn trường đại học đào tạo ra kỹ sư, tiến sĩ, có giáo trình của các bậc học này.
Hỏi: Như vậy người có tâm lượng nhỏ hẹp tạm gọi là Tiểu Thừa, có cần học giáo pháp của Bồ Tát Thừa (Đại Thừa) hay không?
Đáp: Sự học bao giờ cũng tốt. Nhưng, nó giống như một người chỉ có ước vọng học hành để ra đời lao động phổ thông kiếm sống, thì chỉ học xong phổ thông là đủ dùng (Thanh Văn).
Hoặc một người mong có được tay nghề vừa đủ để nuôi thân (Duyên Giác), thì người này chỉ học thêm vài năm nghề nghiệp là đủ dùng, không cần phải học những bậc học cao hơn (của Bồ Tát Đạo)..
Vả lại, năng lực, thệ nguyện, phát tâm và ý chí góp phần rất lớn vào sự học tập cũng như thành công trong Đạo Pháp. Phật đạo gọi đó là: Phát xu.
Hỏi: Nếu nói như vậy, thì mặc nhiên công nhận Giáo pháp ba thừa có cạn, có sâu khác nhau, sao nói rằng pháp bình đẳng, không có cao hạ?
Đáp: Giáo pháp ba thừa thì có cạn, có sâu, vì năng lực, thệ nguyện, tâm trí của ba thừa có cạn, có sâu nên Giáo Pháp cũng phải tòng (phụ thuộc) theo đó mà đáp ứng. Còn tự thân một pháp, thì chẳng có đại, có tiểu, có cao, có thấp. Giống như con thỏ và con voi, tất nhiên hai con này có sức mạnh khác nhau, nhưng, không thể dùng hai con này mà so sánh mạnh yếu với nhau được. Người ta chỉ có thể so sánh sức mạnh giữa con thỏ này và con thỏ kia, con voi này và con voi kia chứ không ai lại đem voi đi so với thỏ bao giờ. Con voi chở nhiều, con thỏ chở ít, mỗi con chở theo sức của mình, chính là bình đẳng vậy.
Hỏi: Giáo Pháp Nhị Thừa (Thanh Văn, Duyên Giác) chuyên dạy điều gì? Còn Giáo Pháp của Bồ Tát Thừa chuyên dạy những gì?
Đáp: Về cơ bản, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đồng học chung một thứ Giáo Pháp, gọi là Giáo Lý Căn Bản (gồm Tứ Đế và Ba Mươi Bảy Phẩm). Ngoài những giáo pháp căn bản này, có phần chuyên sâu của mỗi thừa:
Thanh Văn: Đào sâu “triết lý yểm ly”, lấy yểm ly làm căn bản tu hành.
Duyên Giác: Đào sâu “triết lý nhân duyên hay mười hai nhân duyên”, lấy đoạn duyên làm căn bản thành tựu.
Bồ Tát: Thấu suốt “triết lý tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, lấy dứt mê (tâm, pháp) làm chỗ y cứ. Ngoài ra, người phát tâm Bồ Tát, có tâm nguyện hóa độ chúng sanh, phải học thêm Bồ Tát Đạo. Tức là học thêm “các môn trí tuệ” để rộng phương tiện cứu người.
Ba “thừa” mà chúng ta đang nói tới giống như ba người học bơi, mỗi người học một kỹ năng bơi lội, chỉ cần biết bơi là đủ. Nhưng nếu một trong ba người họ muốn trở thành huấn luyện viên bơi lội, thì phải học thêm cách dạy người các loại hình bơi lội. Hoặc một học sinh chỉ cần học xong phổ thông là đủ để đọc viết thông thạo, nhưng nếu muốn làm thầy giáo, thì phải học thêm sư phạm. Học Bồ Tát Đạo, giống như học làm huấn luyện viên bơi lội, giống như học sư phạm.
Hỏi: Về lý thuyết là như vậy, nhưng trong thực tế, có người nào đã thành tựu những điều như vừa nêu hay không?
Đáp: Kinh dạy: Phật Pháp là thường. Kinh cũng dạy: Có vô số Phật, vô số Bồ Tát, vô số Hiền Thánh Tăng đã thành, đang thành và sẽ thành tựu.
Hỏi: Nếu nói rằng, có vô số đã thành tựu, đang thành và sẽ thành, vì sao tôi không thấy?
Đáp: Thành là một chuyện, còn thấy lại là một chuyện. Trên đời có thiếu gì điều thành hay bại mà ta không thấy! Đâu nhất thiết có cái gì thành, thành ở đâu là tôi phải thấy.
Hỏi: Xin ngài nói rõ hơn?
Đáp: Muốn thấy một điều gì đó, phải có những điều kiện bắt buộc của nó.Ví dụ: Trên thế gian này có bao nhiêu đất nước, có bao nhiêu nhà lãnh đạo của mỗi đất nước, mà bản thân mình đâu có thấy tận mắt những điều đó? Mình không thấy, không có nghĩa rằng người khác cũng không thấy và điều đó không có.
Hễ những ai hội đủ điều kiện để thấy, thì cho dù không muốn thấy cũng không được. Ví như các nhà thiên văn, dùng kính thiên văn thì thấy được những gì ngoài vũ trụ, còn ta với con mắt này, có muốn thấy các thứ như những nhà thiên văn kia cũng đành chịu, vì điều kiện không đủ.
Hỏi: Nhưng phàm ở đời, cái gì có thấy mới có thể tin là có?
Đáp: Tổ tiên của mình, mình đâu có thấy, nhưng kẻ trí đâu vì thế mà nói rằng: “Tôi không thấy tổ tiên của mình, nên nhất định tôi không tin mình có tổ tiên”.
ĐỊA NGỤC, NIẾT BÀN Ở ĐÂU? CÓ TỒN TẠI HAY KHÔNG?
Hỏi: Địa ngục ở đâu và Niết Bàn ở đâu? Có hay là không có?
Đáp: Địa ngục ở tâm, Niết Bàn cũng tại tâm! Địa ngục và Niết Bàn cũng có, cũng không có!
Hỏi: Như thế nào gọi là địa ngục, Niết Bàn tại tâm? Như thế nào là cũng có, cũng không có?
Đáp: Khi tâm thức tích chứa nghiệp ác, tâm thức này phải chịu quả báo khổ đau. Khi khổ đau hiện lên trong tâm thức người ấy, gọi đó là địa ngục.
Ngược lại, kẻ được giác ngộ, tâm thức rỗng rang, trong không chứa thiện ác, ngoài chẳng so đo tôi anh. Người như thế, tâm nhẹ nhàng, trí sáng suốt, thường yên vui, thường thanh tịnh, gọi là Niết Bàn.
Vì thế địa ngục chỉ có với những người tạo tác lỗi ác thành nghiệp ác, sẽ không có với những ai làm điều thiện, tích chứa thiện nghiệp.
Niết Bàn cũng chỉ có với những ai giác ngộ, cũng sẽ không với những ai còn đang mê mờ.
Vì những lẽ này, nên nói: Cũng có, cũng không có. Giống như giàu sang, chỉ có với những ai nhiều tiền của, sẽ không với những ai nghèo đói, lại nhiều nợ nần.
----------------
Vị lai (Vị: Chưa; Lai: Đến): Điều chưa đến hôm nay nhưng có thể đến vào một thời điểm nào đó.
Cõi Diêm Phù: Cõi trần gian – không gian sống có con người.
Do tuần: Đơn vị đo chiều dài của Ấn Độ cổ đại; 01(một) do tuần ước chừng 40 lí.
Tam Bảo: Ba món quý của Phật giáo gồm Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Quy y Tam Bảo là nghi lễ của nhà Phật. Khởi đầu cho việc một Phật tử đi theo Phật giáo.
Lăng Già: Còn được gọi là Nhập lăng hay Già kinh - Một bộ kinh trong kinh điển Phật giáo Đại thừa.
Pháp Bảo Đàn Kinh: Một quyển kinh do Lục Tổ Huệ Năng thuyết giảng được ngài Pháp Hải ghi lại.
Trực tâm: Là thứ tâm thuận theo chân lí, một đường hướng thẳng đến Phật quả.
Thiện Tài Đồng Tử (hay còn gọi là Thiện Tài): là nhân vật chính trong Phẩm Nhập Pháp giới của Kinh Hoa Nghiêm.
Nhất Thiết Trí: là một thứ trí tuệ của Bồ tát, Phật.
Tát Đà Ba Luân: tên một vị Bồ Tát xuất hiện trong kinh Đại Bát Nhã đi cầu Bát nhã trí nơi đại sư Đàm Vô Kiệt.
Đại sư Đàm Vô Kiệt: là tên một vị Bồ Tát trong kinh Đại Bát Nhã.
Kinh giáo Thanh Văn: Một loại kinh Phật dùng để dạy cho Thanh Văn thừa