Hai Anh Quảng Nôm Luận Bàn... Nghĩa "Mạt Pháp"

Mấy lần được nghe hai anh Quảng Nôm luận bàn đạo lý. Lã muội lân la làm quen, nghĩ tình đồng đạo, cùng là người tu, ham thích học hỏi, v.v...
Hai anh Quảng Nôm đồng ý cho Lã Muội nhập bọn, được ngồi chung mâm để nghe ké hai anh luận bàn, lại còn hứa, ngày nào có gặp nhau uống cà phê, sẽ điện thoại báo trước để Lã Muội chuẩn bị.
Theo suy nghĩ của Lã Muội, việc hai anh Quảng Nôm luận bàn Phật pháp, chắc chắn là “Chuyện dài nhiều tập”. Vì thế, những lần kể lại sau này, Lã Muội chỉ viết phần nội dung, không nhất thiết có những giới thiệu như những lần trước.
Xin chân thành cảm ơn hai anh Quảng Nôm, đã không chê Tiểu Muội là phận “nữ nhi thường tình”, cho phép trở thành bằng hữu, được ngồi chung mâm cà phê, được phép ghi lại những gì mình nghe thấy! Xin cảm ơn hai anh! Chân thành cảm ơn!!!
B: Người ta thường nói, thời ni là thời mạt pháp! Nhưng răng tau thấy: Chùa to, Phật lớn, người tu tăng tục đông đúc, lễ lạt hoành tráng, thuyết pháp dậy trời, v.v... Như rứa mà mạt chỗ mô, mi nói tau nghe coi?
A: Kinh nói, thời ni là mạt pháp, chớ có nói mấy thứ mi vừa kể mạt mô?
B: Thì giống như nhà kia đến hồi mạt vận, gia sản hao mòn, nhà cửa rách nát, mọi thứ suy vong, v.v... Cái ni thì ngược lại, ngày càng hưng thịnh chớ có thấy mạt chỗ mô?
A: Mạt pháp là giáo pháp đến hồi suy vong, chữ mạt ở đây có nghĩa là cái ngọn, thời kì cuối cùng, giáo pháp tuy còn đó, nhưng không còn ý vị như hồi chánh pháp.
Kinh có ví dụ như cây thuốc Dược Vương trên núi tuyết, khi Chuyển Luân Vương cai trị, cây thuốc ni có thể dùng chữa bách bệnh.
Khi Chuyển Luân Vương băng hà, bọn ác cướp lấy cây Dược Vương, nhưng nó không còn dược tính vì thế công dụng chữa bệnh cũng hết. Chừng mô có bậc Chuyển Luân Vương ra đời, cây Dược Vương lại có công dụng như cũ!
Mi có biết Chuyển Luân Vương ám chỉ cái chi không? Đừng có vọng tưởng hình ảnh một ông vua bay trên trời, đầy đủ bảy báu nghe không!
Hay nói khác hơn, mạt pháp là, đến hồi người ta chỉ biết tung hô cành nhánh, chạy theo hoa lá màu mè, mà không biết đến cái gốc của đạo nó nằm ở mô!
B: Mi có thể nói cụ thể hay không?
A: Câu chuyện kinh trên, ngầm bảo rằng: Ở thời mạt pháp, kinh điển, giáo pháp còn đó, nhưng tác dụng tu chứng không có? Giống như cây thuốc Dược Vương thì còn, mà tác dụng chữa trị thì không!
B: Theo mi, tại răng lại như rứa?
A: Muốn lí giải chuyện ni, phải dài dòng một chút. Tau đưa một ví dụ, mi có thể hiểu vấn đề. Một cái cây, ta tạm chia thành bốn phần gồm: Căn là cái rể, bổn là cái gốc, chi là cái nhánh, mạt là cái ngọn. Gốc rể người ta gọi là căn bổn, chi mạt là cành ngọn, tức những thứ đã xa gốc rể. Mà cành ngọn đã xa gốc rể thì không có tác dụng như gốc rể!
Giáo pháp của Đức Phật cũng như rứa, ngày Phật còn tại thế, lời dạy của Ngài như gốc rể của một cái cây, có học có thành, có tu có chứng. Sau một thời gian, cái cây lớn lên, người ta chỉ nhìn thấy cành lá mà không thấy gốc rể.
Từ đó, khi mô tả hoặc sử dụng, người ta chỉ chú trọng đến cành lá mà không biết giá trị thật ở nơi gốc rể. Những thứ mi nhìn thấy như chùa to, Phật lớn, người tu đông đúc, lễ lạt hoành tráng, v.v... Là phần cành lá của cái cây giáo pháp! Mà trọng tâm của giáo pháp là giúp người thành tựu đạo quả, chớ không phải như những gì ta thấy!
Để cảnh báo điều ni, Phật cũng đã có dự ngôn, những dự ngôn của Phật, chỉ ra một cách có hệ thống con đường đi của ba thời kì, từ chánh pháp đến tượng pháp và rốt sau là sự suy tàn của mạt pháp như một hệ quả tất yếu. Hệ quả ni, đều do người tu hành làm ra, chớ chẳng phải tự nhiên từ trên trời rơi xuống. Kinh Đại Bảo Tích, Phật phân giáo pháp từ hưng thịnh đến suy tàn, trải qua năm thời kì như sau: Thời kì thiền định kiên cố, thời kì giải thoát kiên cố, thời kì lí luận kiên cố, thời kì đấu tranh kiên cố và cuối cùng là thời kì chùa am kiên cố.
B: Mi có thể giải thích cho tau về năm thời kì đó không?
A: ─ Thời kì thiền định kiên cố: Theo chủ kiến của tau, dưới thời Phật, tuy là chánh pháp, nhưng phần lớn đồ đệ của mình là những người chuyên tu thiền định từ ngoại đạo chuyển sang, sau đó trở thành Nhị thừa (cho rằng đạo quả A La Hán là chỗ chứng cao nhất, mà không biết hoặc không muốn biết rằng, trong giáo pháp còn có Bồ Tát đạo, Bồ Tát là những vị thành tựu trí tuệ siêu việt, vô tu vô chứng).
Vì thế, tuy có nghe những pháp thâm sâu của Bồ Tát, nhưng phần lớn nghe mà không hiểu, hoặc nghe rồi để đó, không thể thấu suốt nên không thể ứng dụng giúp người, ngày ngày chỉ thích tìm nơi vắng vẻ hưởng lạc thú thiền định. Nếu có đọc kinh, mi sẽ thấy hình ảnh này rất rõ ràng.
Đây cũng là lí do vì sao, khi thuyết kinh đại thừa, Phật phải vân tập các Hoá Phật cùng vô vi Bồ Tát, Nhị thừa chỉ là thành phần dự thính. Khi mô có thời gian, tau sẽ nói cho mi biết thế nào là Hoá Phật và vô vi Bồ Tát! Theo tau, hiện tượng ni, là lời cảnh báo con đường đi xuống của giáo pháp đã mở ra, vấn đề chỉ còn tuỳ thuộc vào việc Phật trụ thế bao lâu!
─ Thời kì giải thoát kiên cố: Sau khi Phật nhập Niết Bàn, hai phái Thượng Toạ Bộ và Đại Chúng Bộ ra đời. Phái Thượng Toạ Bộ chiếm ưu thế, họ tự coi là những người theo “giáo lý của người xưa”, chú trọng đến việc tu hành để tự thân giải thoát. “Thera trong tiếng Pali hay sthavira trong tiếng Sanskrit nghĩa là cũ, cổ xưa, lâu năm và đồng thời được dùng để chỉ một tì kheo đã tu hành lâu năm. Vì thế, được dịch sang Hán-Việt là Thượng tọa. Còn veda (pali) hay vadin (Sanskrit) nghĩa là giáo lý, quan điểm.” (Nguồn Wikipedia).
Sự chia rẽ, phân hoá ngay trong lòng những người được coi là có tu có chứng, chỉ là việc củng cố và mở rộng thêm con đường đi xuống của giáo pháp mà thôi! Theo mi, nguyên nhân là vì cái chi? Nếu tinh ý một chút, tìm ra căn nguyên của sự việc ni không khó!
─ Thời kì lí luận kiên cố: Theo quan điểm cá nhân của tau, Thượng Toạ Bộ chủ trương không sai nhưng chưa hẳn đã đúng, thậm chí có phần cực đoan. Chủ trương của bộ ni chỉ chú trọng đến việc giải thoát tự thân, không có nhu cầu học rộng để giúp người. Vả lại, phép tắc tu hành của Thượng Toạ Bộ không thể áp dụng cho quảng đại quần chúng vì những điều kiện khắt khe của nó. Đến đây, thất bại của giáo pháp hẳn đã rõ!
Chính chủ trương ni đã bị ngoại đạo chỉ trích là yếm thế, về cơ bản giáo pháp của Thượng Toạ Bộ không đủ sức thuyết phục, cũng như không thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn của toàn xã hội, xét trên bình diện xã hội học. Cho nên, trong thời kì Thượng Toạ Bộ lên ngôi, Phật giáo thường bị lấn át bởi các thứ nguỵ luận của những người học rộng, của hạng người được coi là minh triết, từ đó người tu hành trong Phật đạo hoang mang, do bởi ngoại đạo dùng các dị thuyết lung lạc, điều ni tiềm ẩn nguy cơ phe ta thua ngay trên sân nhà. Mi có thể tìm thấy những điều đó trong các tư liệu lịch sử Phật giáo!
Để cứu nguy Phật giáo, các Bồ Tát như Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, v.v... ra đời, từ đó những bộ luận lớn như Đại Trí Độ, Trung Quán, Duy Thức, v.v... có mặt, cùng các bộ kinh đại thừa được biên chép một cách chính danh (hạn chế từ giới cầm quyền đã được dở bỏ). Những bộ luận ni có công năng trấn áp tà thuyết, dẹp tan dị luận, cũng như phân tích đến cùng tột thức mê (đây là cách ám chỉ luận thuyết của ngoại đạo không ra khỏi thức mê). Kinh đại thừa có công dụng xiển minh đại thừa giáo bằng nội dung liễu nghĩa. Kinh và luận ra đời trong thời kì ni chỉ ra rằng, Phật đạo không dừng lại ở phạm vi tu hành để tự cứu, mà nó còn là một học thuyết ưu việt đứng trên mọi học thuyết, nếu hiểu thấu, có thể dùng để cứu vớt hết thảy chúng sinh ra khỏi khổ đau, sinh diệt!
“Hầu như có vẻ ngài Long Thọ trưởng thành trên những tranh biện triết lý kinh viện mới đang có mặt phổ cập khắp miền bắc Ân Độ trong và giữa các nhà tư tưởng Bà La Môn và Phật Giáo. Phật Giáo ở thời kỳ này có lẽ đã có thế giới quan mang tính hệ thống cạnh tranh cổ nhất đối với hoàn cảnh bấy giờ, nhưng rồi các trường phái Vệ Đà như Số Luận (Samkhya), phân chia vũ trụ thành thực thể tâm linh và vật chất, Du Già (Yoga), thực hành thiền định, và Thắng Luận (Vaisekika), hay học thuyết về nguyên tử cũng được thành lập. Nhưng các sự việc mới và hiện có đang xảy ra trong những hội trường tranh biện. Một trường phái Vệ Đà mới là Phái Chánh Lý (Nyaya) ra mắt tác phẩm văn học, xây dựng học thuyết duy thực tinh vi được xếp loại là nhận thức căn bản trên thế gian, xây dựng lý thuyết nhận thức để sử dụng như là căn bản cho tất cả luận thuyết về chân lý, và đưa ra học thuyết phát triển toàn diện về luận chứng đúng và sai. Song song với điều đó, trong phía Phật Giáo, các trường phái của những nhà siêu hình học nổi lên với giáo thuyết về vi trần và các phân loại cơ bản về thực thể. Ngài Long Thọ tham gia mạnh mẽ cả hai phong trào Bà La Môn và Phật Giáo mới này, một nỗ lực tri thức chưa từng có tới lúc đó.” Theo Douglas Berger, giáo sư Đại Học Southern Illinois University, tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ.
─ Thời kì đấu tranh kiên cố: Đây là thời kì đầu mạt pháp, cuối tượng pháp. Khi Phật giáo với tinh thần đại thừa lan toả, tinh thần ni được một số quốc gia có tư tưởng phóng khoáng chấp nhận. Để tồn tại trên vùng đất mới, để cạnh tranh với các tôn giáo bản địa, để hoà nhập với các loại văn hoá sai khác, để thu hút nhiều tín đồ, v.v... Phật giáo đại thừa cùng một lúc, gặp phải hai pháp nạn, đó là:
─• Một là, phải đấu tranh ngay trong nội bộ, chống bị đồng hoá bởi tôn giáo và văn hoá bản địa. Nhưng rồi, tư tưởng đại thừa quá cao siêu, người thông đạt không nhiều, từ đó các tông phái ra đời (nhất là sau thời y bát thất truyền), ý nghĩa đại thừa được diễn giải lung tung, thô thiển, thiếu thực tế và không thể giúp người tu hành thành tựu như pháp (Cước tùng lẫn lộn, tơ rối bòng bong… Nhầm lẫn chữ Ô, chữ Yên thành chữ Mã!!! Xem Hàm Thị, Tông Tào Động – Kinh Lăng Già – HT Thích Thanh Từ Dịch).
Theo tao, đây là hồi chuông cảnh báo nguy cơ giáo pháp suy vong của thời mạt pháp xuất hiện. Phật giáo đại thừa coi như đã bị giặc nội xâm, đòn “hồi mã thương” của những người không giác ngộ, đã làm hư nát tính ưu việt của giáo pháp.
─• Hai là, để cạnh tranh tín đồ, người ta đẻ ra nhiều thứ hình tướng, dạy các thứ công phu tạp nhạp, làm tầm thường giáo pháp, đánh đồng Phật pháp với các pháp thế gian (thậm chí còn là nơi để trốn lính). Đây là hình thức “nối giáo cho giặc”, dùng thế gian pháp tiêu diệt Phật pháp (Xem bố cáo của Thạch Liêm, cùng với PGVN sử lược – HT Thích Mật Thể).
Hiện tượng ni, là chỉ dấu cho thấy, cái hoạ mạt pháp không còn trước mắt, mà nó đã xâm nhập vào xương tuỷ người tu hành! Đây là thứ giặc ngoại xâm, do những người không giác ngộ, cùng với ngoại đạo, đã vô tình hay cố ý, pha trộn (có tính chất phá hoại) chân giả, biến giáo pháp trở thành thứ luân lí giáo khoa ở đời như bao đạo giáo khác! Đòn “gậy ông đập lưng ông” lần ni, là quả đấm chí mạng, đưa giáo pháp về đúng với cái ngọn của nó!
─ Thời kì chùa am kiên cố: Tất nhiên ở đời, trong ruột không có chi, thì phải tô vẻ cái bên ngoài, chuyện ni tau không giải thích thì mi cũng hiểu!
B: Như rứa, muốn tìm về chánh pháp, muốn hưởng được lợi ích từ giáo pháp thì phải mần răng?
A: Thì còn mần răng, muốn có thành quả tốt đẹp, đừng chạy theo hình tướng, đừng xu nịnh kiểu văn hoá đám đông. Lấy kinh điển để trước mặt, ngày ngày đọc tụng, nghiền ngẫm xem Phật dạy ta điều chi, biết rồi cứ y như rứa mà thực hành, chớ phải làm răng? Giáo pháp hay kinh điển là cái gốc, muốn tìm về chánh pháp phải bám cái ni thôi!
B: Nhưng theo tau biết, trong đời có nhiều vị chân tu, không màn thế sự, xa rời hình tướng, giới luật nghiêm minh, chuyên tâm tụng đọc kinh điển, nhưng chính họ cũng thú nhận (hoặc vô tình biểu lộ), lợi ích không nhiều, không như mong muốn. Điều ni giải thích ra răng?
A: Tới đây, lại thêm hai vấn đề cần bàn:
─• Một là, đọc tụng là một chuyện, hiểu hay không là một chuyện. Đọc mà không hiểu, có khác chi “muỗi đeo trâu sắt”! Muốn hiểu kinh, kiến thức Phật pháp của anh phải chuẩn, kinh nói gà anh hiểu thành vịt thì có cố gắng cũng trở thành công cốc, lợi ích chi mô. Hiểu như thế, có đọc thủng kinh sách cũng khác chi người “gãi ngứa ngoài hia”! Làm răng mà tu, làm răng mà chứng?
─• Hai là, cái gốc cây thời mạt pháp, bị người ta viết bậy, vẽ tào lao, dán quảng cáo lên đó hàng hàng lớp lớp, từ đời ni sang đời kia… Ôi thôi! Hết lớp ni chồng lớp khác, muốn thấy cái gốc cây thiệt, phải biết cách bóc gỡ mấy thứ đó, còn cứ ngây thơ tưởng mấy thứ đó là gốc cây, thì có tu luyện vạn kiếp cũng chỉ là người “khát nước uống phải muối” mà thôi! Đây là hình ảnh của sữa bị mấy con buôn hám lợi, pha đến 50 lần mà trong kinh Phật đã đề cập. Anh mô không biết những thứ ni, gặp chi cũng hốt, đọc nhiều, tụng nhiều chỉ thêm bịnh, chớ ích lợi chi mô!
Nói tóm lại, Phật pháp không có chánh hay mạt. Mạt hay chánh là do tâm trí của người. Ngay tại thời điểm ni, nếu mi biết tìm đúng cội gốc của giáo pháp, đừng chạy theo những thứ hư ảo huyễn hoặc. Mi sẽ tìm thấy lợi ích của chánh pháp không khác gì thời Phật còn tại thế từ cái gốc kinh điển! Thôi, tau phải đi câu cơm đây!
B: Cho tau hỏi câu chót! Theo nhận định của mi, cái gốc mô mới bị dán quảng cáo, viết bậy, vẽ tào lao, cái gốc mô không? Mi có thể đơn cử?
A: Tau thấy anh mô cũng bị, anh mô cũng tùm lum. Mi có nghe chuyện người xưa thấy bản kinh quý trong hoàng cung, lén chép lại rồi mỗ đùi dấu trong nớ đặng đem ra ngoài hay không? Nếu chuyện ni là đúng, tau hỏi mi, cuốn kinh nớ bửa ni nó dày lên, dày như rứa, để trong bụng bò, bò cũng chết chớ đừng nói chuyện mỗ đùi người mà bỏ vô!
Từ một vài trang, biến thành vài trăm trang, rứa mấy thứ nớ ở mô mà lòi ra?
Hoặc những phép tu hành, ngày xưa Phật đi tìm đạo, tu sáu năm không giác ngộ, bèn từ bỏ nó như nhổ bãi nước bọt. Răng lại sau khi giác ngộ, đem mấy thứ nớ dạy lại đồ đệ của mình?
Đến mi với tau còn không ác ôn kiểu nớ, chẳng lẽ Phật mà lại ác ôn như rứa hay răng! Cứ cắm đầu cắm cổ tu kiểu nớ, mà đòi giác ngộ, có khác chi ếch ngồi đáy giếng mong thấy cả bầu trời xanh! Phật bỏ đi để tìm con đường giác ngộ, chẳng phải là cái gương chưa đủ sáng hay răng?
Nếu mi là người có trí, chỉ cần nghe qua là hiểu rồi, cần chi bàn cho nhiều! Bóc lớp quảng cáo để lòi gốc cây, lấy sữa trong nước đã bị pha loãng, v.v... là một nghệ thuật, chớ có phải như việc chạy xe thồ, trộn hồ, bốc vác mô mà anh tay ngang nào nhảy vô cũng làm được!!! Thôi! tau đi câu cơm đây!!!!!!