Hoạt động mở rộng

Tam Chủng Từ Bi !!! Ba Hạt Nhân Đặc Thù Của Phật Đạo !!! | Hạnh Phúc Quanh Ta K05 - Diễn Giả Lý Ngọc Hải

MB 1157 Lý Mỹ Linh 07.11.2023

🌺 Nhật ký buổi 17: TAM CHỦNG TỪ BI – BA HẠT NHÂN ĐẶC THÙ CỦA PHẬT ĐẠO
🌺 Diễn giả: Lý Ngọc Hải @All
🍀 Trong cuộc sống hằng ngày, ai cũng từng nghe tới 2 chữ TỪ BI. Và TỪ BI gần như gắn liền với quan niệm về đức tính, tình yêu thương của con người. Tuy nhiên, quan điểm của Phật đạo về TỪ BI là như thế nào, anh Lý Ngọc Hải đã cùng chúng ta làm rõ khái niệm đó qua đề tài: “Tam Chủng Từ Bi – Ba Hạt Nhân Đặc Thù Của Phật Đạo” với các nội dung chính như sau:
1. Từ Bi Chỉ Sinh Khởi Trong Môi Trường Nào? Từ Bi Ở Đời Khác Từ Bi Ở Đạo Ra Sao?
2. Các Tầng Bậc Từ Bi Trong Phật Đạo.
3. Hiểu đúng về Bố Thí - Phóng Sinh Và Sát Sinh
4. Thế Nào Là Hồi Hướng Công Đức Chân Thật?
NỘI DUNG CHÍNH
1. Từ Bi Chỉ Sinh Khởi Trong Môi Trường Nào? Từ Bi Ở Đời Khác Từ Bi Ở Đạo Ra Sao?
🍀 Một số nét chính về Từ Bi trong Phật đạo
🌟 Từ Bi là 2 trong 4 đức tính siêu việt của 1 chư Phật đó là: Từ, bi, hỉ, xả. Trong đó, TỪ là yêu thương một cách bình đẳng muôn loài chúng sanh, BI là phương cách cứu giúp tất cả chúng sanh thoát khổ. Do đó Từ Bi và Trí Tuệ không phải là 2 món riêng biệt.
🌟 Từ Bi ở đạo khác Từ Bi ở đời thế nào?
✅ Từ Bi ở đời và Từ Bi ở đạo giống nhau ở một điểm đó là: Đều mang ý vị của thương yêu và cứu giúp, nhưng bản chất và mục tiêu thì lại khác nhau.
🌺 Từ Bi ở đời là Ái Nhiễm Từ Bi, tức là một tình yêu thương vẫn còn hữu lậu, vẫn còn cái ngã nên tuy Từ Bi nhưng có điều kiện, có phân biệt đối tượng, dính mắc, có tính sở hữu, có tính mong cầu, có sự ràng buộc trong đó. Vẫn muốn giúp người nhưng cũng thường có động cơ là vì mình được đề cao, trọng vọng, hoan hỉ…
✍ Thứ Từ Bi ở đời là thứ Từ Bi bị ái nhiễm nên sẽ tạo ra 3 hệ quả: Khiến cả đôi bên đều bị trói buộc; đôi bên sớm phải chịu phiền não và không giúp người ta chấm dứt được kiết sử, lậu hoặc.
🌺 Từ Bi ở đạo - Từ Bi của người giác ngộ là một tình yêu thương vô lậu, không có điều kiện, không phân biệt đối tượng, không ràng buộc, hoàn toàn giải thoát. Và nhờ có trí tuệ xuất thế nên sẽ giúp đúng cách, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng căn cơ, vì vậy kết quả tất yếu là mang lại lợi lạc, giúp người vĩnh viễn thoát khổ, thoát mê mờ và thoát khỏi sự cột trói của thế gian.
🍀 Phân biệt giữa Từ Bi và bác ái: Từ Bi và bác ái đều có điểm chung, đó là nói về tình thương và những giá trị tốt đẹp trong cuộc đời.
💎Bác ái là giúp đỡ con người, ban phước cho những người kính tin ngưỡng vọng mình về với cái sự trở che của mình. Còn Từ Bi của chư Phật là cái tâm yêu thương và giúp đỡ một cách bình đẳng, vô điều kiện với tất cả chúng sanh bất kể người đó đang kính tin hay thù hận mình; giúp cho mọi chúng sanh đều có thành tựu và năng lực như mình.
🔥 Điều khác biệt rất quan trọng đó là từ bi ở trong đạo vượt ra ngoài các khái niệm Thiện Ác của thế gian, siêu quá cái ái nhiễm từ bi ở đời.
🍀 Tóm lại: Thứ nhất, Hiểu rõ và phân biệt Từ Bi ở đời và ở đạo mới giúp ta tìm ra đúng con đường để tiến tới các thành tựu xuất thế.
✍ Thứ hai: Từ Bi chính là việc học tập và ứng dụng chánh pháp để tăng trưởng trí tuệ. Có trí tuệ thì mới có Từ Bi đúng nghĩa như chánh pháp, mới có thể yêu thương bình đẳng và lập bày được phương tiện thiện xảo giúp chúng sanh hết khổ, dứt Tập, chứng Diệt và tu Đạo.
2. Các Tầng Bậc Từ Bi Trong Phật Đạo.
🍀 Từ Bi chỉ mọc mầm ở những người đã thành tựu đạo xuất thế, đã có trí tuệ nên Phật đạo có Tam chủng ( 3 hạt giống) từ bi gồm:
💎Pháp Duyên Từ: Là duyên nơi giáo pháp mà có tâm từ. Hay nói cách khác, nương nơi giáo pháp để học và tăng trưởng trí tuệ, để cứu giúp mình và người.
💎Chúng Sanh Duyên Từ: Là thấy chúng sanh khổ não mà khởi tâm Từ Bi cứu giúp. Tức là quán thấy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nên khởi tâm từ để cứu giúp, để họ cũng có thể thành tựu như mình.
💎Vô Duyên Từ: Là chẳng cần nương tựa vào cái gì mà vẫn khởi tâm từ bi. Đây là tâm Từ Bi của chư Phật, nó là vô lượng từ, vô lượng bi có thể độ cho vô lượng chúng sanh.
🍀 3 tầng bậc của Từ Bi đều có yếu tố dẫn đường của trí tuệ. Trí tuệ càng cao thì tâm lượng càng lớn. Trí tuệ càng sáng thì hiệu quả cứu người càng lớn.
💎 Tầng bậc thứ nhất: Từ Bi này không lớn hơn cái thân mình, chỉ để tự cứu mình. Ở tầng bậc này, người tu hành đạt được căn bản trí (trí tuệ để tự cứu).
💎 Tầng bậc thứ hai: Sau khi tự cứu xong, vị này phát đại tâm dõng mãnh, đại từ, đại bi cứu giúp nhiều người thoát khỏi khổ, thoát phiền não, vô minh của thế gian. Tầng bậc này là của những Bồ Tát thực thụ đã đạt được Nhất Thiết Trí.
💎 Tầng bậc thứ ba: là tầng bậc Từ Bi của chư Phật có Vô thượng trí. Tâm Từ Bi vô hạn lượng nên nguyện độ vô lượng chúng sanh cũng vô hạn lượng, hay chúng ta thường nói chư Phật có Tứ Vô Lượng Tâm: vô lượng từ, vô lượng bi, vô lượng hỉ, vô lượng xả.
3. Hiểu Đúng Về Bố Thí - Phóng Sinh Và Sát Sinh
🍀 Về Bố Thí có 3 cách:
💎 Tài Vật Thí: Là bố thí bằng tiền tài, vật chất...
💎 Pháp Thí: Là bố thí cho người Chánh pháp, tức là chia sẻ hoặc giảng pháp để giúp người đẩy lùi khổ, phiền não, kiết sử, lậu hoặc...
💎 Vô Uý Thí: Vô úy là không sợ hãi. Vô úy thí chính là dạy người giác ngộ chắc thật, có được giải thoát, có được trí tuệ để tâm họ không còn sợ hãi, điên đảo, động loạn trước muôn cảnh muôn duyên.
🍀 Về phóng sinh và sát sinh
🌟 Phóng sinh là việc tốt, Phật đạo khuyến khích điều này để chúng sanh trưởng dưỡng tình thương yêu. Tuy nhiên nếu phóng sinh đi liền với việc cầm tù, trói buộc thì việc phóng sinh đó không phù hợp với tinh thần giải thoát, thậm chí nó đi ngược lại với tự nhiên.
🌟 Phật đạo khuyến khích không sát sinh. Nhưng đối diện trước một con muỗi, một con sâu rồi sợ hãi, bế tắc, dính mắc không lối thoát thì làm sao có thể giác ngộ. Tu học chánh pháp để chúng ta không còn điên đảo sợ hãi không còn bấn loạn trước bất kỳ nghịch cảnh nào.
4. Thế Nào Là Hồi Hướng Công Đức Chân Thật?
🌟 Đa số chúng ta đang hiểu: Hồi hướng là chuyển khoản công đức của mình cho một người khác, nhất là đối với người đã khuất. Nhưng làm sao ta biết chắc chắn việc chuyển khoản công đức đó sẽ đến nơi? Phật đạo không chủ trương dạy người nương tựa vào những điều mơ hồ, huyền bí.
🌟 Thật nghĩa của hồi hướng là gì? “Hồi” có nghĩa quay trở lại. “Hướng” có nghĩa là nhắm thẳng đến một mục tiêu nào đó.
✍ Hồi hướng của Phật Đạo, nhằm nói đến việc “Người tu hành, dùng sức thanh tịnh mà ta đang có được, hướng đến tất cả hữu tình, chia sẻ và cầu mong tất cả những hữu tình đó cũng được thanh tịnh chân thật như bản thân mình với mục đích giúp họ có được giác ngộ, giải thoát và có trí tuệ.
🌟 Ta hồi hướng cho mọi người cụ thể bằng cách gì?
💎 Bằng Thân Giáo: Một người có trí tuệ thì hành động của vị ấy sẽ toát ra vẻ an nhiên, tự tại và nó tác dụng tích cực đến người khác.
💎 Bằng Tâm Giáo: Là khi được ở bên cạnh một bậc giác ngộ, ta luôn thấy tâm mình được hạnh phúc, yêu thương, an lạc.
💎 Bằng Ngôn Giáo: Là hướng về chúng sanh, dùng ngôn thuyết để phá tan u mê, tăm tối của chúng sanh
💎 Bằng Trí Giáo: Là dùng trí tuệ xuất thế để chiếu sáng, để soi đường cho chúng sanh tiến về nẻo giác. Đó mới thực sự là hồi hướng.
🌟 Tóm lại: Hiểu đúng về hồi hướng công đức, bố thí và sát sinh, chúng ta mới có cách thực hành đúng tinh thần Từ Bi trong chánh pháp, không bị mê tin vào những điều mơ hồ, huyễn hoặc rồi tự làm mình sợ hãi.
🌺 Hẹn gặp các CBAC trong buổi học thứ 5 ngày 09/11/2023 cùng bài giảng của chị Lý Diệu Tâm với chủ đề BÁT CHÁNH ĐẠO! CHÁNH LÀ ĐÂY - TÀ CŨNG LÀ ĐÂY!

Tags: